Kiến thức chăn nuôi

Kiến thức chăn nuôi chúng tôi xin chia sẽ những kiến thức chăn nuôi bao gồm: Kỹ thuật, kiến thức chăn nuôi heo,lợn, kiến thức chăn nuôi bò, kiến thức chăn nuôi gà, gia cầm, thủy sản. Hi vọng các kỹ thuật hướng dẫn trong bài viết tổng hợp các kỹ thuật chăn nuôi này đem đến cho hộ chăn nuôi áp dụng tốt hơn vào gia đình, trang trại chăn nuôi của mình.

kiến thức chăn nuôi

I. KIẾN THỨC CHĂN NUÔI LỢN

1. Con giống nuôi
Chọn con giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp điều kiện chăn nuôi, có lý lịch rõ ràng, khỏe mạnh, có ngoại hình đặc trưng của giống. Ngoài ra: 
- Heo đực: Bụng thon, gọn, chân sau thẳng, cứng. Hai tinh hoàn to đều, treo không quá cao hoặc quá thấp, da tinh hoàn trơn láng, không nhăn nheo. Người chăn nuôi heo thường chọn giống heo Duroc, Pietrain.
- Heo hậu bị: Bụng tròn, gọn, mông nở, mình thon, không quá béo hay quá gầy. Có số vú từ 12-16 vú, các vú to đều, khoảng cách các vú đều nhau, nên chọn hậu bị có hàng vú từ 1 tầng đến 2 tầng. Âm môn hình quả đào, to, mẩy… Xu hướng chăn nuôi hiện nay thường chọn các giống nái siêu nạc như: Heo Yorkshire, heo Landrace.

2. Thức ăn:
 Trong chăn nuôi heo thức ăn chiếm tới 62 – 68% giá thành sản phẩm chăn nuôi, do đó chọn loại thức ăn phù hợp là rất quan trọng. Nên chọn các nhà cung cấp thức ăn đã có thương hiệu như: CP, Cargill, Greenfeed, Proconco… thức ăn dùng cho heo ăn không ôi thiu, hư hỏng, cho ăn đến đâu hết đến đó.

3. Chuồng trại nuôi:
 Chuồng trại là bức tường bảo vệ thứ 2 của heo. Khi xây dựng chuồng trại, người chăn nuôi cần đảm bảo cho heo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với quy mô chăn nuôi. Tùy theo điều kiện kinh tế gia đình mà người chăn nuôi chọn kiểu chuồng nuôi phù hợp.

4. Phòng trừ dịch bệnh:
Nguyên tắc chính trong chăn nuôi là phòng bệnh hơn chữa bệnh, người chăn nuôi heo phải tuân thủ qui trình Vaccine và qui trình thuốc kháng sinh cho từng giai đoạn nuôi. Tùy thuộc vùng chăn nuôi heo khác nhau mà người chăn nuôi áp dụng qui trình Vaccine và qui trình thuốc kháng sinh cho phù hợp. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và xử lý chất thải đảm bảo môi trường nuôi không gây ô nhiễm vật nuôi và môi trường xung quanh. 

5. Quản lý chăm sóc: 
Để có những lứa heo thành công cần có sự theo dõi chi tiết quá trình chăm sóc từ heo con đến heo trưởng thành, vì vậy yêu cầu người chăn nuôi phải lập có sổ sách ghi chép nhật ký tình hình chăn nuôi heo cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình chăn nuôi, luôn đảm bảo nguyên tắc cùng nhập, cùng xuất.


* KIẾN THỨC CHĂN NUÔI HEO NÁI

Chọn heo để nái. Chọn những heo cái trội trong bầy, có trọng lượng trên 15 kg lúc 60 ngày tuổi và từ lứa đẻ thứ 2 trở đi của heo nái tốt. Nuôi dưỡng và chăm sóc heo nái sinh sản Nuôi dưỡng giai đoạn mang thai: Thời gian mang thai là 114 - 115 ngày (3 tháng, 3 tuần, 3 ngày). Thức ăn của heo nái trong giai đoạn mang thai là 14% đạm và năng lượng 2.800 Kcal/kg thức ăn. Thời gian mang thai chia làm 2 giai đoạn: *Giai đoạn chữa kỳ 1: (3 tháng đầu). - Sau khi phối giống nên nhốt riêng, chuồng cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ và yên tĩnh. - Mức ăn: từ 2 - 2,5 kg/con/ngày, cho ăn nhiều rau xanh để tránh mập. Cho nước uống sạch đầy đủ. *Giai đoạn chửa kỳ 2: (3 tuần, 3 ngày cuối). Giai đoạn này thai phát triển rất nhanh, nên tăng lượng thức ăn lên 2,5 - 3 kg/con/ngày. - 7 ngày trước đẻ chuẩn bị ổ úm heo con. Tắm chải heo nái mỗi ngày, vệ sinh và sát trùng chuồng trại. - 3 ngày trước khi đẻ cho ăn hạn chế còn 1,8 - 2,2 kg/con/ngày, nhiều rau xanh để tránh heo nái bị bón. Cung cấp nước uống sạch đầy đủ. - Nên chích thêm vitamin ADE. - Chuẩn bị dụng cụ đỡ đẻ: kềm cắt răng, chỉ cột rốn ngâm vào cồn iod, lưỡi lam hoặc kéo cắt rốn, thuốc đỏ, giẻ sạch, thuốc sát trùng (cồn iod hay thuốc đỏ hoặc xanh methylen), thuốc trợ sức (vitamin C, Camphona,...), thuốc kháng sinh (Penicilin, Streptomycin, Oxytetracylin, Chlortetrasol), Oxytocin,...ống chích, kim tiêm,... * Khi nái đẻ: - Cần giữ yên tĩnh, chuồng khô sạch. - Heo con đẻ ra cần được lau sạch nhớt miệng, mũi, chung quanh mình, cột cuống rún cách thành bụng 1,5 - 2 cm bằng chỉ sạch và cắt cách chỗ cột khoảng 1 cm về phía ngoài, sau đó sát trùng cuống rún và chỉ cột bằng thuốc sát trùng. Cắt 8 cái răng sát nướu. Xong cho vào lồng úm có nhiệt độ 30 - 32oC. - Nên tranh thủ cho các heo con bú sữa đầu lúc heo ngưng đẻ. - Trong khi đẻ hay sau khi đẻ nếu thấy heo nái mệt, yếu sức có thể tiêm thêm các loại thuốc trợ sức như: vitamin C, Camphona,... * Nuôi dưỡng heo nái giai đoạn nuôi con: - Diện tích chuồng: 8 m2/heo nái và bầy heo con. - 1-2 ngày sau khi đẻ cho heo nái ăn thức ăn dễ tiêu như nấu cháo đậu xanh hay cháo cá,...Sau đó cho nái ăn thức ăn chứa 16% đạm và năng lượng 3.000 Kcal/kg thức ăn với mức ăn như sau: - Cho heo nái ăn nhiều rau xanh để tránh bị táo bón. - Cho ăn nhiều lần và cung cấp đủ nước sạch. - 1-2 ngày trước khi cai sữa nên giảm thức ăn heo nái cho vú bớt căng sữa để tránh bị viêm vú heo mẹ. - Ngày cai sữa không cho ăn, sau đó cho ăn lại từ từ. *Nuôi dưỡng và chăm sóc heo con: - Cho tất cả heo con bú sữa đầu (1-2 ngày đầu) càng sớm càng tốt (có thể đang lúc heo đẻ) vì trong sữa đầu có nhiều kháng thể nên giúp heo con khỏe mạnh, chống lại với bệnh dịch sau này. Sau đó cứ 1-2 giờ cho bú một lần. Cho heo đẹt bú các vú vùng ngực có nhiều sữa hơn để sau này bầy heo được đồng đều. - Nên úm heo con ít nhất là 1-2 tuần đầu, nhiệt độ giảm dần từ 32-28oC. - 1-3 ngày tuổi: chích chất sắt lần 1 cho heo con: 1cc/con. Lần 2: lúc 10 ngày tuổi: 1 cc/con. Chích vào cơ vùng cổ hoặc sau đùi. - Tập ăn sớm cho heo con từ ngày thứ 7, dùng chuối xiêm chín bóp nhuyễn trộn với cháo nhừ tập cho heo ăn. Sau đó cho ăn thức ăn hỗn hợp chứa 20 - 22% đạm, số lượng ăn mỗi lần ít nhưng ăn nhiều lần. - Thiến heo đực: lúc 2 tuần. Heo cái không cần thiến. - Trường hợp heo con chậm lớn, xù long,... nên chích bồi dưỡng các loại thuốc bổ như: vitamin ADE, B-complex, vitamin C, B1, B6, B12,...khoảng 2 tuần/lần. Mỗi lần 0,5-1 cc/con. - Cai sữa sớm: lúc 28 - 30 ngày tuổi. Sau đó nuôi tiếp heo con 1 tháng bằng chuồng lồng hoặc cai sữa lúc 45 hay 60 ngày tuổi. - Khi cai sữa nên chuyển heo mẹ đi nơi khác, heo con giữ lại tại chỗ ít nhất 7 ngày. Cho ăn thức ăn chứa 18% đạm, ngon, dễ tiêu, chuồng sạch sẽ, ấm áp.


II. KIẾN THỨC CHĂN NUÔI GÀ

1. Bệnh hô hấp mãn tính (CRD)
Nguyên nhân: Do Mycoplasma gallisepticum (MG) gây ra, lây lan chủ yếu qua trứng, đường hô hấp và tiêu hóa. Gà mái đẻ bị nhiễm bệnh có thể truyền mầm bệnh cho gà con qua trứng hoặc do gà khỏe tiếp xúc trực tiếp với gà nhiễm bệnh và mang mầm bệnh hay gián tiếp qua thức ăn, nước uống, xe cộ, người qua lại…
Phòng bệnh:
- Điều quan trọng hàng đầu là phải mua gà giống ở những cơ sở chăn nuôi tốt, tỷ lệ nhiễm CRD thấp.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ kết hợp sát trùng bằng Vimekon (10gr pha với 2 lít nước) hoặcVime–Iodine (15ml pha với 4 lít nước).
- Vệ sinh, sát trùng trứng, máy ấp và máy nở trước và sau khi ấp để giảm tỷ lệ bệnh truyền qua trứng.
- MG rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ cao và chỉ có thể tồn tại cao nhất 3 ngày ngoài môi trường, vì thế cần thành lập quy trình chăn nuôi theo nguyên tắc: “cùng vào-cùng ra” để loại mầm bệnh.
- Khi nhập đàn mới vào nên có thời gian cách ly (trung bình là 21 ngày).
- Sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn và nước uống để kiểm soát bệnh. Có thể sử dụng một trong các thuốc sau: Anti CCRD; EST; Genta – Tylo; Vimenro.
- Tăng cường sức đề kháng, chống bệnh cho gia cầm bằng: Elecamin, Vimekat plus, Vizyme, poly AD…
Điều trị bệnh:
- Khi gà bệnh có thể dùng kháng sinh thuộc các nhóm Tetracycline, Macrolide, Quinolone… pha trong nước uống kết hợp với vitamin và chất điện giải.
Thời tiết giao mùa, đàn gia cầm thường xuất hiện dịch bệnh

2. Bệnh dịch tả (Newcastle)
Nguyên nhân: Gây ra bởi virus Paramyxovirus serotype 1. Bệnh Newcastle còn được gọi là dịch tả hay bệnh rù. Là bệnh thường gặp nhất ở gà, cút, bồ câu gây tổn thất lớn trong chăn nuôi gia cầm. Bệnh lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa do tiếp xúc trực tiếp với gà bệnh, phân hay người, chuột, dụng cụ, xe cộ, gió thổi làm virus từ nơi này lây sang nơi khác và đặc biệt lây do chim trời. Thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày có khi đến vài tuần trong điều kiện tự nhiên.
Phòng bệnh:
- Bệnh chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Phòng bệnh là biện pháp tốt nhất để dịch bệnh không xảy ra.
- Phòng bệnh bằng vaccin đối với gà thịt (gà trắng) phải dùng 2 lần. Đối với gà trống, gà đẻ trứng cần 5-6 lần và gà thả vườn cũng phải dùng 2-3 lần.
- Phòng bệnh bằng vệ sinh tiêu độc, ngăn chim trời, chuột có thể mang mầm bệnh tới.
- Vệ sinh chuồng trại định kỳ kết hợp sát trùng bằng 1 trong 2 chế phẩm Antivirus-FMB hoặc Pividine.

3. Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (Infectious Bronchitis-IB)
Nguyên nhân: Gây ra bởi virus họ Coronaviridae. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa do tiếp xúc với gà bệnh, hít thở không khí nhiễm mầm bệnh thổi từ chuồng này sang chuồng khác hoặc do xe cộ, người, chó, chuột mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Bệnh xảy ra trên gà ở các lứa tuổi, nhưng nặng nhất là gà con.
Phòng bệnh:
- Bệnh không có thuốc đặc trị do đó phòng bệnh là chủ yếu. Có thể phòng bệnh bằng cách dùng vaccin Biral H120…
- Tiêm vaccin cho gia cầm theo lịch.
- Cách ly gia cầm bệnh, đối với gia cầm đẻ thì nên loại thải.
- Vệ sinh, sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng 1 trong 2 chế phẩm Pividine hoặc Antivirus-FMB
- Thường xuyên bổ sung ADE Solution: 2g/1-2 lít nước uống hoặc Amilyte 1 g/2 lít nước uống giúp tăng cường sức đề kháng...


III. KIẾN THỨC CHĂN NUÔI BÒ


1. Chọn giống
Chọn những con tốt, thân hình vạm vỡ, mình tròn, phía mông và vai phát triển như nhau giống hình trụ. Nên biết rõ nguồn góc và tính năng SX của đòi bố mẹ.
Một số giống bò được nuôi phổ biến tại Việt Nam :
- Giống bò nội : Bò vàng Việt Nam ( Bosindicus ) .
- Giống bò lai ngoại : Con lai Zêbu ( nhóm bò Zêbu gồm các giống: Redsindhi, Sahiwal, Brah-man đỏ, Brahman trắng, Ongole ).

2. Tuổi :
Trong quy trình vỗ béo và giết mổ, hiện nay người ta thường nuôi bò từ 16 – 24 tháng tuổi với quy trình công nghệ cao để giết mổ.

Đặc điểm sinh lý :
- Với bò đực : Tuổi bắt đầu phối giống từ 24 - 26 tháng tuổi và thời gian sử dụng phối giống tất nhất là từ 2 - 6 năm tuổi.
- Đối với bò cái : Tuổi thành thục sinh dục 18 - 24 tháng tuổi, chu kỳ động dục trung bình là 21 ngày, thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày và thời gian động dục trở lại sau khi sinh con 60 - 70 ngày.

Chuồng trại
- Xây dựng nơi cao ráo, thoáng mát và có màng lưới bao xung quanh chuồng để chống ruồi, muỗi và các côn trùng khác xâm nhập ( trong chăn nuôi hộ gia đình ).
- Nền cứng, không trơn trượt và có độ dốc để dễ thoát nước.
- Diện tích tối thiểu : 2,5 - 3m2/con bò thịt.
- Máng ăn và máng uống nên làm bằng xi măng đặt theo chiều dài hành lang phân phối thúc ăn.
- Cần có biện pháp xử lý phân để hạn chế ô nhiễm môi trường chung quanh và lây lan cỏ dại.

Thức ăn chăn nuôi :
- Nguồn thức ăn chủ yếu của bò gồm các loại cỏ tươi, rơm rạ, cỏ khô, thức ăn xanh thô và củ, quả...
- Ngoài ra nên sử dụng thức ăn ủ chua hoặc rơm được kiềm hóa và thức ăn tinh chế chủ động trong việc tìm thức ăn cho bò.
- Trong chăn nuôi bò thịt, mỗi gia đình cần dành 500 - 1.000m2 đất để trống các loại cỏ như cỏ voi, cỏ sả, cỏ lông tây, cây bình linh... để lấy thức ăn cho bò.

Chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo
- Bò cái chửa : Cần cho ăn uống đầy đủ, tránh cày kéo nặng, đặc biệt là ở những tháng chửa cuối cùng. Nhu cầu ăn mỗi ngày là: 25 - 30kg cỏ tươi, 2kg rơm, 1 kg thức ăn tinh và 20 - 30g muối.
- Bò cái nuôi con. Ngoài khẩu phần trên, cần cho thêm các thức ăn củ quả tươi và thức ăn tinh để bò cái tăng khả năng tiết sữa nuôi con.
- Bê con : Tập cho bê con ăn cỏ khô từ tháng thứ 2, cỏ tươi và củ quả từ tháng thứ 4 và cai sữa từ tháng thứ 6. Khi trời nắng ấm nên cho bê con vận động tự do. Nhu cầu ăn mỗi ngày 5 - 10kg cỏ tươi, 0,2 - 0,3kg thức ăn tinh.
- Bê từ 6 - 24 tháng: Trường hợp nuôi chuồng phải thường xuyên cho bò, bê ra sân vận động từ 2-4 giờ/ngày. Nhu cầu ăn một ngày: 10 - 15kg cỏ tươi và cho ăn thêm các thức ăn tận dụng khác như ngọn mía, dây khoai, rơm rạ, cỏ khô, cỏ ủ chua và củ quả thay thế.
- Để có bò thịt đạt khối lượng cuối cùng khi giết thịt từ 250-300kg lúc 24 tháng tuổi cần nuôi vỗ béo bò trong khoảng 80-90 ngày trước khi bán bằng thức ăn tinh 1 kg/con/ ngày.
Chia sẻ bài viết này :